Việt Nam: Bắt đầu khởi tố điều tra vụ bắt người trái pháp luật tại xã Đồng Tâm

Việc khởi tố vụ án nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.

 

14.6.2017 : Luật sư Lê Luân.

NHỮNG TÌNH HUỐNG PHÁP LÝ VỤ ĐỒNG TÂM

Vụ án đã được khởi tố, chỉ đơn giản là để điều tra, xác minh những vấn đề liên quan trong toàn bộ vụ việc đã xảy ra từ đầu cho đến khi kết thúc đối thoại.

Việc khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật, để xác minh những tình tiết khác của vụ án và cũng để tìm ra nguồn cơn của sự việc, ngay cả việc một số người bắt giữ cụ Kình vào ngày 15/04/2017. Tuy nhiên, đối với các hành vi xâm hại hoạt động tư pháp thì phải do Cục điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý giải quyết, và chắc chắn họ sẽ phải vào cuộc vụ bắt giữ người đối với cụ Kình.

Còn việc người dân xã Đồng Tâm, không gây ra bất cứ hậu quả nào, chăm sóc tận tình những người được giữ lại trong làng, ăn uống đầy đủ, đã được ông Chung và hệ thống chính quyền Hà Nội có những chỉ đạo và cam kết trước nhân dân, cùng các đại biểu như Nguyễn Văn Chiến, Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc cùng chứng kiến. Nên việc khởi tố vụ án có thể là bước đầu của hành động tố tụng để nhằm phân định và làm rõ mọi vấn đề liên quan, ai sai, ai đúng và từ đó có căn cứ rõ ràng để xử lý. Nhưng việc cam kết là hoàn toàn chính thức và có căn cứ pháp lý theo Điều 4 Hiến pháp 2013. Nếu các cơ quan tố tụng của thành phố Hà Nội muốn xét xử được vụ này thì trước tiên phải mở một vụ kiện để hủy bỏ văn bản cam kết của chính quyền Hà Nội cùng các đại biểu quốc hội, và chỉ có toà án Hiến pháp mới đảm đương được việc này. Nhưng ở Việt Nam thì chưa có toà án để làm việc đó, nên văn bản này vẫn đương nhiên có giá trị cả về chính trị lẫn pháp lý (Điều 4 Hiến pháp đảm bảo).

Có thể khởi tố vụ án để điều tra làm rõ các tình tiết và toàn bộ sự việc, đó là cách xác định sự thật và sau đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương mà đã gây ra nguồn cơn khủng hoảng vụ Đồng Tâm. Và sau đó có thể miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và đình chỉ vụ án, không khởi tố bị can thì vừa đảm bảo lòng dân và đảm bảo sự ngay thẳng của lời cam kết. Đó là cách làm toàn vẹn nhất mà chúng ta có thể xử lý.

Tôi tin là sẽ có cấp cao hơn ông Nguyễn Đức Chung đứng ra xử lý vụ này. Có thể là ông Thủ tướng chính phủ hoặc Chủ tịch nước. Vì đây không đơn giản chỉ là câu chuyện của thành phố Hà Nội và ông Chủ tịch của thành phố này.

13.06.2017

Việc khởi tố vụ án nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Ngày 13-6, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15-4.

Việc khởi tố vụ án nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.

Công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Trước đó, ngày 15-4, do không đồng ý với việc cơ quan chức năng mời người dân đi chỉ mốc lộ giới khu đất Đồng Sênh (xã Đồng Tâm) nhưng lại tổ chức bắt một số người, người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người là cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động và cán bộ huyện Mỹ Đức. 

Người dân đã đưa hơn 30 người này về nhà văn hoá thôn để giữ.

Tất cả cán bộ, chiến sĩ được thả ra vào ngày 22-4, sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với người dân và cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân thôn Hoành trong vụ việc này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều tối 13-6, ông Nguyễn An Huy – Phó Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội- Trưởng đoàn Thanh tra đất đai tại Đồng Tâm – cho biết hiện đoàn thanh tra vẫn đang tiếp tục làm việc, đến nay chưa có kết luận thanh tra về vụ việc.
 
“Theo thời hạn công bố là đoàn thanh tra có 45 ngày làm việc, sau đó theo luật thanh tra chúng tôi còn có thêm 30 ngày để viết dự thảo báo cáo thanh tra nữa”, ông Huy thông tin.
 
Trước đó, ngày 20-4, Chánh Thanh tra TP Hà Nội đã ký quyết định 1121/QĐ-TTTP-P5 thành lập đoàn thanh tra toàn diện đất đai tại sân bay Miếu Môn và đất tại Đồng Sênh (xã Đồng Tâm). Đoàn gồm 6 người do ông Nguyễn An Huy, Phó Chánh thanh tra TP là Trưởng đoàn.
 
Thân Hoàng / Tuoitre.vn
 
Lê Kiên > 

Lời hứa tướng Chung và ngã rẽ thôn Hoành

CAHN họ có đủ căn cứ pháp luật để khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật xảy ra ở thôn Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Đừng tranh luận điều này nữa, mất thời gian.

Thế nhưng khi nghe tin này, tôi thương ông Nguyễn Đức Chung hơn cả dân thôn Hoành. Tôi tin rằng, từ sâu trong lồng ngực, nơi có đựng trái tim quý giá, Chủ tịch UBND TP Hà Nội không muốn điều này xảy ra.

Và bởi điều ông Chung không muốn đã xảy ra, nên tôi hiểu rằng ông là người đang đau đớn nhất.

Chữ ký và ngón tay điểm chỉ của ông Chung vào bản cam kết được viết tại Nhà Văn hoá thôn Hoành, bây giờ trở nên một vật chứng nghẹn ngào của lịch sử nước Việt ta. Và chắc chắn rằng, nó sẽ còn ám ảnh cuộc đời ông Chung, người đứng đầu chính quyền Hà Nội, người từng đeo trên vai lon thiếu tướng công an, từng là điều tra viên xuất sắc.

Tôi đã bảo với những người bạn của tôi rằng đừng nghi ngờ ông Nguyễn Đức Chung, đừng đem cái bản cam kết ấy ra để thị phi câu chữ như là “ông ấy hứa không khởi tố toàn dân Đồng Tâm chứ đâu hứa không khởi tố từng người dân”; “ông ấy là Chủ tịch nên không có thẩm quyền hứa không khởi tố”; “trong tình huống ấy nhiệm vụ cao nhất là giải cứu con tin nên ông ấy có quyền hứa và nó không có giá trị pháp lý”…, hoặc nặng nề hơn là bảo “lời hứa gió bay”; “ông Chung lừa dân”…

Các bạn ơi, hãy vào google tìm xem trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp QH này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã nói gì về vụ thôn Hoành. Và ngay tại cuộc họp báo Chính phủ, Người phát ngôn Mai Tiến Dũng cho biết là ông Nguyễn Đức Chung được Ban Bí thư giao nhiệm vụ, Thủ tướng chỉ đạo về đối thoại với dân thôn Hoành. Theo lời ông Mai Tiến Dũng, cuộc đối thoại đã thành công.

Tôi về thôn Hoành 2 lần, trên hai con đường khác nhau, mấy người chỉ đường bảo rằng để đến thôn Hoành có nhiều ngã rẽ. Quyết định khởi tố hôm nay tạo thêm một ngã rẽ mới cho sự việc thôn Hoành.

Tôi nói lại lần nữa là tôi thương ông Nguyễn Đức Chung, và đây là thứ tình cảm rất tự nhiên giữa con người với con người.

Gió có thể thổi bay lời hứa. Tờ giấy điểm chỉ có chữ ký nhiều người có thể phai nhạt và bị huỷ hoại theo thời gian. Nhưng trong quan hệ vạn vật, có những thứ mất đi không thể nào lấy lại được như cũ, chẳng hạn như bát nước đổ đi rồi.

Vâng. Niềm tin. Liệu quyết định khởi tố một vụ án có vun đắp được? Tôi chưa có đủ dữ liệu để phân tích điều này.

Nguyễn Như Phong >
Thông tin về vụ Đồng Tâm đây này?

Dư luận ” dậy sóng” về việc Công an Hà Nội ra quyết định Khởi tố vụ bắt người, giam người, hủy hoại tài sản ở Xã Đồng Tâm… Không ít lời chửi bới, lăng mạ cơ quan công quyền, không hiếm lời phân tích độc địa, thiếu văn hóa… Nhưng điều buồn nhất là hình như họ chả hiểu gì về Luật Tố tụng Hình sự cả.

Trước hết, phải biết rằng : Việc khởi tố điều tra vụ án là một hoạt động tố tụng hết sức bình thường của cơ quan điều tra. Khi khởi tố điều tra, cơ quan công an không cần phải có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Trong quá trình điều tra, nếu thấy đủ chứng cứ phạm tội của cá nhân,sau khi phân tích xem xét chứng cứ, phân tích nguyên nhân động cơ phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội… Thì sẽ đi đến quyết định : Có khởi tố bị can hay không? Nếu khởi tố bị can thì cần thực hiện biện pháp ngăn chặn là gì : Hoặc bắt tạm giam? Hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú…
Và lúc đó, phải có sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Trong trường hợp vụ Đồng Tâm thì sao đây?
Nếu không khởi tố điều tra vụ án thì biết ai đúng, ai sai? Dân sai tới đâu? Chính quyền sai tới đâu? Việc sai của dân là mức nào? Có đáng khởi tố bị can hay không? Có cần xử lý ai hay không? Vậy nếu cái sai của dân là bắt nguồn từ cái sai của cơ quan công quyền thì phải khởi tố những người làm sai này?
Cho nên, nếu không khởi tố điều tra thì Không thể nào xác định được Ai Đúng- Ai Sai.
Và lúc đấy, lời hứa của Chủ tịch Chung mới thành hiện thực khi được cơ quan điều tra kết luận và ra quyết định ” miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đình chỉ điều tra vụ án”
Đấy là việc thứ nhất. Còn việc thứ hai.
Theo thông tin mới nhất có từ chiều nay thì : Việc cơ quan tiến hành tố tụng khi có dấu hiệu vi phạm trong việc bắt giam một vài người trong đó có ông Kình, thì sẽ được Viện Kiểm sát Tối cao thụ lý và điều tra, bởi vì : Chỉ có Viện KSND Tối cao mới có quyền điều tra các vi phạm pháp luật của cơ quan tố tụng – Cụ thể ở đây là ở CA Hà Nội.
Tôi rất mong các Luật sư am hiểu về Luật hình sự và Tố tụng hình sự hãy lên tiếng về việc này.
 
13.6.2017
Lê Nguyễn Hương Trà >

Sự kiện Đồng Tâm kết thúc ngày 22.4, sau một tuần gây chú ý công luận trong ngoài nước.

Tại cuộc đối thoại, chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, ổng có ghi chép 21 đề nghị của người dân. Và bảo: “Bà con đã nhận thức được việc bắt giữ người là trái pháp luật. (…). Tôi ghi nhận việc làm của bà con là từ bức xúc đất đai, từ việc bắt giữ người không công bố lệnh, không mặc trang phục, bắt đưa lên ô tô (…) Tôi tin đất nước ta có truyền thống đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Luật pháp có quy định thành khẩn, khắc phục hậu quả, tôi tin bà con sẽ được giảm nhẹ”. Ông Chung cũng ghi nhận việc người dân đối xử tốt, chu đáo với 38 người bị bắt và bảo sẽ báo cáo xem xét các tình tiết trên.

Tuy nhiên, trong bản cam kết của mình ông chủ tịch Chung có viết 3 điều; với điều thứ 2 là “Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm”.

Đồng Tâm hôm nay

13.6.2017
H.M > 
LỜI HỨA CỦA ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

Chắc ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội bận rộn quá nên quên lời hứa xem xét thấu đáo toàn diện vụ Đồng Tâm nên đã quá hạn “45 ngày hứa” rồi mà chả thấy thông báo gì.

Tuy ông Chung quên nhưng công an Hà Nội không quên nên hôm nay, ngày 13/6/2017, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 129/PC44-Đ2, để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo Điều 123 Bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo Điều 143 Bộ luật Hình sự) nhằm xử lý tiếp tục “vụ Đồng Tâm”

Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang chắc cũng quên luôn phát biểu của mình “vụ Đồng Tâm là do chính quyền địa phương làm sai”. Thôi thì nhắc lại để 2 ông chủ tịch nhỏ và chủ tịch to nhớ lại.

Hay là lời phát biểu của ông bé nhất, đại tá Bạch Thành Định, phó Giám Đốc CA Hà Nội khi “kiên quyết xử lý sai phạm của nhân dân” trong vụ Đồng Tâm, mới là quan điểm chính thức của vụ việc.

Cuối cùng ở VN ai mới kết luận sau cùng được để nhân dân lắng nghe đây ?