Việt Nam có “ 48 triệu người làm báo“

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tại khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tổ chức 55 năm ngày thành lập (1962-2017). 

Bộ trưởng TT&TT: Báo chí tụt hậu với mạng xã hội là nguy cơ hiện hữu

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho hay, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nếu không tiến kịp, báo chí sẽ đi sau và sẽ tụt hậu so với với mạng xã hội.

Sáng nay, khoa Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tổ chức 55 năm ngày thành lập (1962-2017). 

55 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa báo chí đã đào tạo được hơn 13.000 nhà báo. Trong đó, nhiều người đã và đang giữ trọng trách cao trong hệ thống chính trị của cả nước….

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn biểu dương những thành tích mà thầy và trò khoa Báo chí cùng các thế hệ nhà báo đã đạt được trong suốt 55 năm qua.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận vai trò của báo chí đặc biệt quan trọng, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến những người làm báo…

Báo chí trong cách mạng 4.0

Trong bối cảnh báo chí truyền thông số, hơn 18.000 nhà báo được Bộ TT&TT cấp thẻ. Dân số Việt Nam 92 triệu người thì có tới 48 triệu người dùng Facebook, mạng xã hội; 48 triệu người đó chính là những người làm báo. 

Trong nền báo chí công dân, gần như người nào sử dụng mạng xã hội cũng trở thành người làm báo. Mỗi tài khoản Facebook trở thành một “tòa soạn” và mỗi người dùng Facebook đều trở thành một nhà báo công dân. Tự do bình luận, viết nói trên chính “tòa soạn” của mình. Do vậy, báo chí chính thống phải làm thế nào để định hướng đúng, định hướng được khi 48 triệu người làm báo như vậy.

Bộ trưởng nêu “Báo chí trong thời đại mới gắn chặt với truyền thông số – nhất là trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Nếu chúng ta không tiến kịp, chính báo chí sẽ đi sau mạng xã hội và nguy cơ tụt hậu với mạng xã hội là một nguy cơ hiện hữu…”. 

“Sắp tới đây, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và khi 5.0 xuất hiện, sẽ có sự thay đổi lớn” – Bộ trưởng thông tin nói. Khi đó, liệu người ta có đọc báo, nghe đài như hiện nay nữa hay không – là vấn đề mà những người quản lý nhà nước đang đặt ra.

“Tôi nghĩ rằng không thể có chuyện máy móc thay thế con người được. Con người còn có tư duy, sáng tạo gắn với tình cảm trách nhiệm. Đó là sự khác biệt giữa con người và máy móc” – Bộ trưởng chia sẻ.

Chia sẻ với sinh viên, những phóng viên trẻ Bộ trưởng đặt vấn đề: “Ngày xưa, học hành không được nhiều nhưng lại có nhiều cây bút giỏi. Phải chăng xưa những người làm báo gắn rất chặt với thực tiễn đời sống, không có làm báo bàn phím, không có làm báo trong phòng lạnh?. Họ hoạt động trong thực tiễn, sáng tạo tác phẩm báo chí từ thực tiễn và đem lại giá trị thực tiễn bằng tác phẩm của mình.

“Còn bây giờ, rất nhiều nhà báo lũ lụt không phải xuống, chỉ ngồi ở nhà nhờ chụp ảnh rồi cũng thành một bài báo – đó là điều thiếu và xa rời thực tiễn” – Bộ trưởng cảnh báo.

Bộ trưởng hy vọng thế hệ làm báo hôm nay phát huy truyền thống, gắn kết với sự tiếp nhận của cách mạng công nghệ 4.0 để tạo dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trở thành nền báo chí hiện đại, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc.

Trần Thường/ Vietnamnet.vn

(Tiêu đề do BBT Thoibao.de đặt)