VIỆT NAM: CỘI NGUỒN VÀ HƯỚNG ĐI CỦA "NỔ RA BÊN NGOÀI"

Với thiết chế quyền lực là một cái vỏ cứng nắm giữ quyền lực, đảng đã tự biến mình thành một thành trì thượng tôn đảng pháp cao hơn luật pháp, từ đó là sinh ra các cuộc nổ ở bên trong và sau cùng là phe nào quyền lực nhiều hơn sẽ là phe chiến thắng.

Nhà nước của một quốc gia ra đời là để thực thi luật pháp được nhân dân giao phó, đã bỏ qua bản chất nền tảng của nó, trở thành đi thực thi đảng pháp của 1 đảng chính trị, mất nền tảng thì suy cho cùng chỉ là lâu đài trên cát mà thôi.

Công lý vốn đã bị bịt mắt để cho công minh, thì trở thành diễn viên hài nhảy múa dưới bóng đêm quyền lực. Cái lý của phe mạnh đè bẹp cái lý của phe yếu, từ đó dẫn đến nhân dân cần công lý, một bộ phận đảng viên cấp trung và cấp thấp cần công lý, các thế hệ sau của các “công thần biến thành kẻ đốt đền của đảng” cũng cần công lý.

Thế là vì để trả lại công bằng cho chính mình, các lực lượng đó dần liên kết với nhau để nương tựa vào nhau. Nguyên tắc chính trị “kẻ yếu trong cuộc đấu đi tìm đồng minh ở bên ngoài” là quy luật không thể thay đổi.

Chính vì vậy mà một lãnh đạo cao cấp của đảng từng phát biểu trong một hội nghị trung ương gần đây, mang hàm ý “có những đảng viên từ cấp cao và rất cao liên kết với các thế lực bên ngoài đảng, gây nguy cơ cho đảng từ bên trong và từ bên trên”

Đây chính là nguồn gốc của vấn đề “nổ ra bên ngoài”(Explosion). Tương lai của phong trào dân chủ Việt Nam sẽ nằm ở đó, đó là nhân dân đòi hỏi đất nước phải có công bằng và công lý, một bộ phận đảng viên chán ngán với việc đảng chui vào áo giáp đánh nhau, một bộ phận khác là hậu duệ của các quan đảng, vì muốn đòi hỏi sự công bằng cho chính mình và cho cha ông mình, cũng bước vào đấu tranh cùng 2 lực lượng kia.

Một khi ba thành phần này có thể liên kết cùng nhau, chính là khởi đầu cho quá trình “nổ ra bên ngoài”, đòi đảng phải quay lại thượng tôn luật pháp, trả quyền lực về cho nhân dân, vì đảng cũng sinh ra từ nhân dân, và vì không còn tin vào đảng nữa (họ đi ra từ đó) , họ có nhu cầu liên kết với nhau để tự bảo vệ mình và tìm lối đi cho chính trị quốc gia.

Tổ hợp này gồm 3 thành phần thì có 2 thành phần sinh ra từ đảng, nên họ không muốn “xóa bỏ” đảng CSVN, mà chỉ muốn cạnh tranh quyền lực với đảng cũ của họ trong một sân chơi minh bạch, công bằng. Trong thời gian chờ để có thể làm điều đó, họ vẫn xoay sở để bảo vệ mình, để đấu tranh..nhưng vì để tránh cái tội “lật đổ chính quyền” hay tội “phản đảng”, họ chọn cách đấu tranh “mềm mại” để đảng CSVN “bớt đỏ – chuyển sang hồng”. Đó chính là vấn đề thứ 2 “tự diễn biến và tự chuyển hóa”

Công lý, công bằng và luật pháp độc lập với đảng là điều kiện cần, điều kiện đủ của việc “nổ ra bên ngoài” chính là hiện tượng chuyển hóa. Hai mặt này ở Việt Nam đang dần hội tụ và sắp chín muồi, như vậy vấn đề quan trọng nhất là không phải ngăn chặn nó, vì đó là quy luật, thế thì giải pháp đưa ra là thích nghi.

Đến đây chúng ta có thể thấy ra vấn đề gốc của cuộc “nổ ra bên ngoài” nhưng vẫn giữ đất nước ổn định để phát triển chính là 2 vấn đề phải tiến hành song song trước tiên, đó là tư pháp độc lập với đảng, để nó làm trung gian cân bằng lợi ích chính đáng cho tất cả các bên, và nơi cải sửa đầu tiên là Quốc Hội. Hãy tạo cơ chế để những thành phần quần chúng yêu nước chân chính, đảng viên tiến bộ có tư duy cải cách, đang đương chức hoặc về hưu có thể tham gia ứng cử và trúng cử.

Tôi không muốn đi vào các sách lý luận học thuật chính trị cao xa, mà muốn nói thẳng vào hiện tình Việt Nam hiện nay. Ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, người đứng đầu hệ thống tư pháp của Việt Nam hiện nay, muốn quá trình “nổ ra bên ngoài” này đi đúng hướng và ổn định,thì ông cứ mạnh tay xử lý các sai phạm của các quan đảng bất kỳ là ai khi người đó xâm phạm lợi ích của nhân dân.

Ông hãy tách tính đảng ra khỏi tính độc lập của tư pháp. Ông phải đứng giữa để ngăn bất kỳ bên nào quá đà khi cần. Đó chính là vai trò quan trọng nhất của “phe chuyển hóa” trong vấn đề “nổ ra bên ngoài” này. Các bạn hãy nhớ rằng khi bài viết trên trang web Trần Đại Quang xuất hiện mang hàm ý chính quyền đã sai trong vụ Đồng Tâm, tôi đã biết trước là sẽ có đối thoại. Đây là một ví dụ cho thấy một khi tư pháp bắt đầu nằm ngoài đảng pháp, thì công lý đã bắt đầu thực thi.

Nếu đi con đường trên thì tư pháp dần dần độc lập và có cơ chế để các nhân sự mang các tiêu chí trên vào quốc hội, thì đảng vẫn giữ được quyền lực, dân chủ nhân dân có điều kiện để lớn mạnh lành mạnh để đủ sức tiếp nhận chuyển giao, các đảng viên cải cách có cơ hội đóng góp cho sự tiến bộ chính trị của đất nước.

Từ đó thể chế dần dần cải cách,lột xác trong ôn hòa, trong tinh thần đối thoại hơn đối đầu, để cuối cùng là tự do đúng nghĩa cho nhân dân, dân chủ pháp trị được thượng tôn vì các bên có cơ chế kiểm soát lẫn nhau, dần tiến tới tam quyền phân lập và tư pháp độc lập.

Việt Nam không thể tách khỏi xu hướng dân chủ thời đại, vấn đề là chuyển đổi thế nào cho phù hợp với đặc trưng riêng hiện có và giữ ổn định để đất nước có đà đi tiếp mà thôi.

Quần chúng yêu nước cần nhớ rằng phê phán đảng CSVN là một chuyện và làm rất dễ, chuyện khó hơn là đủ tầm mức để tham gia điều hành quản trị quốc gia.

Nguyễn An Dân