Đời làm Quan…

Đôi khi, nhìn vào những phản ứng của dư luận với bộ máy chính quyền, thái độ của một bộ phận đông đảo người dân với các nhà lãnh đạo, tôi tự hỏi, cuối cùng thì họ làm Quan để làm gì?

Con người ta, bước chân vào chốn ấy, có lẽ cũng chỉ bởi tham vọng quyền lực, tham vọng tiền bạc, tham vọng lưu danh.

Tiền bạc nhiều để làm gì khi đi công tác vẫn ăn mì gói để tiết kiệm tiền vì chi phí ở xứ người quá đắt đỏ? Tiền bạc nhiều để làm gì khi những ngày không phải tiếp khách, trở về nhà, cũng chỉ ăn một bữa cơm với canh rau muống, với cà dầm tương, với rô kho tộ, với thịt kho tiêu như bất cứ thường dân nào? Tiền bạc làm gì khi phải làm việc từ sáng tinh mơ cho đến đêm muộn, làm việc không biết cuối tuần, không có ngày lễ tết.

Vinh quang ư? Có vinh quang nào khi quanh mình toàn những kẻ quen mặt mà xa lòng, khi quanh mình chỉ toàn một lũ nịnh hót, cơ hội, lợi dụng tính cách đàn anh hào sảng để nhăm nhăm muốn gần gũi nhằm kiếm tìm lợi ích? Khi Anh ở đỉnh vinh quang, chúng khoe được Anh cho chai rượu, tặng cây bút nhưng khi Anh vấp ngã, chúng im bặt như chẳng có chuyện gì xảy ra, khốn nạn hơn còn những kẻ viết bài hỷ hả?

Vinh quang ư? Có vinh quang nào đổi lại được những bữa cơm chỉ có một mình? Có vinh quang nào đổi lại được khi phần lớn thời gian dành cho xã hội, bỏ lại vợ con, bạn bè ở một góc nhỏ nào đó trong cuộc đời mình? Những thú vui đời thường, như xem bóng đá một mình, uống trà cũng một mình…

Trong xã hội này, tất cả chỉ là hư vô, tất cả là phù phiếm…

Mới hôm qua, khi ở đỉnh cao quyền lực, báo chí đưa Anh lên mây. Họ không tiếc lời khen ngợi. Họ kiếm view khi thấy cái tên Anh là một đề tài ăn khách. Bên ngoài, có những người đã khẳng định chắc như đinh đóng cột là Anh dùng tiền và quyền lực để PR cho bản thân, để báo chí viết bài tán tụng. Còn bên trong, họ đâu có biết rằng, chính Anh đã phải gọi điện thoại để nhờ lãnh đạo báo hạn chế đưa tin về mình.

Ở một xã hội mà lũ kền kền bay lượn khắp nơi, một xã hội mà người trí thức sẵn sang bán cả liêm sỉ để ăn, một xã hội xu nịnh lên ngôi, lộng giả thành chân, thì đời làm Quan vinh quang sẽ ít, đắng cay sẽ nhiều. Mới hôm qua, họ còn tung hô Anh thành thần tượng trong dân, thành hiện tượng trên chính trường, thì hôm nay khi gió đổi chiều, chính họ đã đạp Anh xuống bùn đen vì biết Anh không còn sức phản kháng.

Bây giờ thì họ chẳng còn nhớ Anh là người dám chỉ tay thẳng mặt, mắng nhà thầu không tiếc lời vì làm ăn cẩu thả, chậm tiến độ, dù đó là nhà thầu Trung Quốc, dù cái chữ Trung Quốc ở xứ này có lúc được thay bằng chữ “Lạ”.

Bây giờ họ cũng quên luôn những đêm giao thừa Anh lên những công trường xa xôi để khích lệ tinh thần công nhân, để dự án trọng điểm đảm bảo tiến độ.

Bây giờ họ cũng chẳng thèm nhớ, Anh đã thúc đẩy rà soát các dự án trong ngành, tiết kiệm 39.000 tỉ đồng cho ngân sách.

Trái lại, họ đòi hỏi những dự án đầu tư được tính toán khi giá dầu gần 150 USD/thùng phải đảm bảo bài toán kinh tế dù giá dầu đã lao dốc xuống còn dưới 40 USD/thùng, bất chấp một thực tế là ngay cả những nhà tư bản sừng sỏ nhất cũng phải bất ngờ.

Cuối cùng thì, làm Quan để làm gì? Đỉnh cao và vực sâu, đôi khi chỉ là một ranh giới mỏng manh như sợi tóc. Những gì Anh sai, Anh phải chịu trách nhiệm. Điều đó Anh đã đón nhận. Đúng như tính cách của Anh dám làm dám chịu.

Đời làm Quan, ở xã hội này, bước lên tột cùng quyền lực chưa chắc đã chói lọi, mà dừng lại cũng chưa hẳn đã là thất bại. Suy cho cùng, vẫn có những người nhớ Anh đã dám nói, dám làm. Dẫu rằng, họ chưa biết Anh nhiệt huyết đến mức khi ngồi uống trà, nghe góp ý về chợ hoá chất Kim Biên, anh lập tức gọi điện thoại cho người phụ trách dự án thay thế chợ Kim Biên để hỏi tình hình và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, công khai thông tin. Chỉ cần nghe góp ý về vấn đề giao thông thành phố, thắc mắc đề đề án thu phí giao thông, anh cũng gọi điện thoại cho Giám đốc Sở chỉ đạo kiểm tra và xử lý ngay… Những hành động ấy, chẳng báo chí nào đưa tin, nhưng cho đến cuối cùng sẽ vẫn có người ghi nhớ.

Đời làm Quan không đo bằng thời gian ngắn dài, không đo bằng việc anh làm đến đâu mà thước đo là anh đã làm gì. Một đời làm Quan, chẳng có vinh quang nào sánh bằng được nhân dân ghi nhận và yêu mến. Nhìn nhận của người dân ra sao, chắc là Anh đã biết. Ghét có, yêu có. Nhưng ngay cả khi Anh vấp ngã, vẫn có những người yêu mến Anh. Hỏi ở đời có mấy ai làm được như anh, quan chức xứ này có mấy ai làm được? Chỉ như vậy thôi là đã quá đủ đầy rồi…

—-
Về đi anh kệ mặc đời giông bão

Trả lại đây những áo mão cân đai

Đời làm Quan sao không có lúc sai

Kiếp kiêu hùng đâu trách ai, mình chịu

Bên cạnh anh còn bao nhiêu chiến hữu

Sẽ song hành trong từng bước gian nan

Chỉ cầu mong Anh sẽ được bình an

Để trở về cùng vui vầy đàn hát

Về đi Anh….

ND