Chuyện ông DƯƠNG TRUNG QUỐC đến THÔN HOÀNH

Lại thấy có những rác rưởi muốn ném vào ông Quốc, và tôi phải viết stt này để bảo vệ ông.

Chúng viết rằng, ĐBQH Dương Trung Quốc chọn thời điểm đến thôn Hoành, Đồng Tâm đúng ngày ông Nguyễn Đức Chung đối thoại, là nhằm đánh bóng hình ảnh của mình. Chúng viết rằng, ông Quốc không đến thôn Hoành vào những ngày trước đó là hèn, là không có trách nhiệm với cử tri, mặc dù ông Quốc đã nhận đơn của cụ Kình. Chúng viết rằng, ông Quốc và ông Nhưỡng đi theo đoàn ông Chung, để “múa phụ hoạ”.

Stt này, tôi sẽ kể chi tiết câu chuyện, và cần đến khoảng 1500 chữ, để bạn đọc fb tỏ tường.

Đó là ngày sinh nhật Lê Nin, 22-4, tôi nhớ rõ ngày này, bởi Lê Nin sinh sau một ngày tôi kỷ niệm ngày tỏ tình với bạn gái.

6g sáng, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng gọi cho tôi: “bây giờ anh vào Đồng Tâm, chú đi với anh không?”. Tôi ngần ngừ giây lát, bởi lịch của tôi hôm đó vẫn họp UBTVQH cả ngày. “Em đi, thôi bỏ họp, cũng muốn xuống tận nơi xem thực tế ra sao”. Anh Nhưỡng hỏi có nên mời thêm ĐBQH nào đi cùng, thêm người thì sẽ tốt hơn. “Chú Quốc” – tôi đáp ngay. “Nhưng anh chưa có số bác Quốc”. “Để em nhắn”.

Tại sao tôi lại đề nghị ông Nhưỡng mời ông Quốc đi cùng. Bởi ông Quốc là ĐBQH đầu tiên gọi cho Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ngay sau khi vụ việc xảy ra, khuyên ông Chung đối thoại, lấy kinh nghiệm từ vụ ông Phạm Thế Duyệt về Thái Bình 20 năm trước. Ông Quốc cũng trả lời báo chí từ ngày đầu, nhận “tôi thấy mình có phần lỗi, vì mấy hôm trước cũng nhận được đơn của cụ Kình”.

Ông Nhưỡng gọi điện thoại khi ông Quốc mới từ Đà Nẵng bay ra, chuẩn bị lên xe đi Yên Tử. Nhưng ông cũng huỷ lịch trong ngày để đến thôn Hoành. ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng không ngồi xe biển xanh, ông tự lái xe gia đình đến đón tôi, qua đón ông Quốc. Ông đem theo hộp bánh để trên xe, sợ tôi và ông Quốc chưa kịp ăn sang.

Hỏi thăm mấy bận, xe chúng tôi cũng đến được đường rẽ vào đầu thôn, một cảnh sát giao thông ra chặn lại, đi cùng là một cán bộ an ninh. Ông Nhưỡng rút thẻ ĐBQH ra, vị cán bộ an ninh cũng kịp nhận ra ông Quốc. Cho xe qua. Khi đến đầu làng, lúc đó gần 8g sáng. Đám thanh niên ra chặn lại, ông Quốc bước xuống. “Á, a, à, bác Quốc, bác Quốc…” – tiếng của người dân. Tôi giơ điện thoại chụp ảnh. “Tắt ngay. Xóa ngay. Đ.M, nhà báo không được chụp” – mấy người dân chỉ thẳng vào mặt tôi. “Tôi đi cùng bác Quốc” – tôi nói. Mấy thanh niên hướng dẫn cho xe anh Nhưỡng đỗ vào làng.

Cánh cổng thôn Hoành lúc đó vẫn đóng, bằng những đống đất, đá, chướng ngại vật. “Không khí” thôn Hoành đặc quánh, nóng hừng hực. Các nhà báo cũng không được vào, ngoại trừ con em tôi, Duy Hoàng, là đứa con của thôn Hoành, nó đã ăn nằm suốt từ hôm nọ.

Ông Quốc, ông Nhưỡng được dân mời vào nhà ông Sinh, cụm trưởng cụm 1 (thôn Hoành có 8 cụm). Những người dân bắt đầu kể, người này chưa xong người kia đã kế tiếp, nghẹn ngào, đau xót, khóc than… Chuyện trò được khoảng gần một tiếng, thì một chị phụ nữ chạy vào, chị là thân thích của cụ Kình và là người nắm “đường dây nóng” của ông Chung với dân thôn Hoành mấy bữa nay.

“Các cụ ơi, anh Chung bảo là sắp về. Anh ấy bảo với cháu nói lại với các cụ, nếu đồng ý các điểm sau thì anh ấy sẽ vào tận thôn đối thoại. Anh Chung nói một là phải đảm bảo an toàn, hai là phải dọn dẹp gạch đá chướng ngại vật, ba là phải cam kết 19 người bị giữ từ hôm nọ là không có chuyện đánh đập, được đối xử tốt, bốn là sau khi anh chung vào đối thoại xong thì sẽ đón các anh kia về luôn, năm là anh Chung hứa sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc này, sáu là anh Chung cho một tỷ để xã Đồng Tâm làm công trình phúc lợi. Đấy, anh Chung nói sao cháu thuật lại y như vậy” – chị nói, giọng gấp gáp.

Nghe xong, ông Quốc quay sang hội ý với ông Nhưỡng: “anh Chung về đối thoại rồi thì có lẽ là mình nên rút, để anh ấy làm việc”. Ông Quốc động viên người dân là phải rất bình tĩnh, tạo điều kiện cho Chủ tịch Chung đối thoại, cùng nhau tháo gỡ. Ông đưa số điện thoại cho em trai cụ Kình và dặn: “nếu có việc gì cần, các cụ cứ gọi tôi, như tôi đã nói là tôi thấy có phần trách nhiệm bởi tôi đã nhận đơn mà không có ý kiến kịp thời”.

Ông Nhưỡng thì nghĩ khác: “Em nghĩ mình chưa nên rút, mình là ĐBQH chủ động về đây, thực hiện chức năng giám sát. Ông Chung về thì cứ làm nhiệm vụ của ông ấy. Em nghĩ mình nên ở lại xem sự việc diễn biến thế nào, cũng là để ở bên cạnh người dân, nếu có thể thì góp vào để cuộc đối thoại có kết quả tốt đẹp hơn” – ông Nhưỡng nói.

Đa số người dân có mặt ủng hộ ý kiến ông Nhưỡng, họ mời hai vị ĐBQH ra trụ sở xã. Vừa đứng dậy thì ông Quốc nhận được điện thoại của ông Chung, Chủ tịch HN cho biết ông đang trên đường vào và có ý muốn ông Quốc “lánh đi, cứ để em xuống làm việc với bà con”. Ông Quốc đang do dự về ý kiến của ông Chung thì mấy cụ già đã nhanh miệng “mời bác lên xe đến trụ sở xã, có Bí thư xã đang ở đó”. Vài phút sau ông Chung gọi điện lại, ông thay đổi suy nghĩ và mời ông Quốc ở lại tham dự cuộc đối thoại. “Anh yên tâm, anh cứ vào làm việc của mình, tôi sẽ hỗ trợ anh nếu có thể, tôi tin anh và anh cũng phải tin tôi” – ông Quốc nói với ông Chung.

Cho đến trước thời điểm bắt đầu đối thoại, ông Chung còn gọi cho ông Quốc thêm một cuộc nữa, có lẽ là để nắm tình hình thực tế. Ông Quốc còn động viên: “em cứ vào đi, anh nghĩ là mọi chuyện sẽ tốt nếu em vào”.

Cuộc đối thoại và mọi chuyện diễn ra sau đó, như tôi đã kể ở các stt trước rồi.

Có người đặt ra câu hỏi. Vậy các vị ứng cử tại địa bàn Đồng Tâm, Mỹ Đức mất hút ở đâu trong những ngày nóng bỏng ấy? Tôi xin thông tin thêm: ĐBQH Nguyễn Chiến là người ứng cử tại đây, ông ấy đã sớm có mặt ở thôn Hoành trước khi chúng tôi đến khoảng 3 ngày, và ông ấy lặng lẽ thu thập thông tin và xử lý vụ việc theo cách của riêng mình.

Như tôi đã viết, cánh cửa thôn Hoành đã mở ra và người tra chìa khóa vào là ông NGuyễn Đức Chung. Nhưng góp phần giải quyết vụ việc có công lao không nhỏ của các vị ĐBQH, đặc biệt là các ông Lưu Bình Nhưỡng, Dương Trung Quốc, Lê Thanh Vân.

Đọc đến chỗ này, nếu có ai đó còn nghi ngờ về mục đích của các vị ĐBQH đã đặt chân đến thôn Hoành, thì đó là những tư duy cặn bã.

Tại trụ sở xã Đồng Tâm

Trên đường về xã Đồng Tâm 

Bà con xã Đồng Tâm chia sẻ thông tin, nguyện vọng với ĐBQH Dương Trung Quốc 

Lê Kiên